Bạn cần biết ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ BẢO HỘ NHÃN HIỆU
Lượt xem: 326
1. Khái niệm: Nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau; Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải là những dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

          2. Quyền đăng ký nhãn hiệu

Theo Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ (điều này được sửa đổi bổ sung năm 2009):

          - Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

          - Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

          - Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

          - Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

          - Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:

          Một là, Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;

          Hai là, Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.

          Ba là, Người có quyền đăng ký quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.

          - Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

3. Các thức, hồ sơ và thời gian đăng ký bảo hộ nhãn hiệu         

          a) Cách thức nộp Đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

          Thông qua Đơn vị tư vấn, đại diện sở hữu trí tuệ (do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép hoạt động), dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.

          Danh sách các đơn tư vấn do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công bố, có tại địa chỉ: https://ipvietnam.gov.vn/.

          Khuyến cáo, nên tham khảo ý kiến Sở Khoa học và Công nghệ trước khi ký kết hợp đồng với Đơn vị tư vấn, đại diện sở hữu trí tuệ.

          b) Hồ sơ đăng ký

          Doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tập thể, hộ kinh doanh cá thể (gọi chung là chủ Đơn) cần chuẩn bị:

          - Mẫu Nhãn hiệu hay còn gọi là logo (5 bản in màu hoặc file mềm); trong trường hợp chưa có mẫu nhãn hiệu, đơn vị tư vấn sẽ trợ giúp thiết kế.

          - Phải có Giấy đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập (phải có chức năng sản xuất kinh doanh lĩnh vực đăng ký nhãn hiệu). Số lượng: Photo 02 bản có chứng thực.

          c) Trách nhiệm của Đơn vị tư vấn

          - Tư vấn và thiết kế biểu trưng nhãn hiệu đăng ký (logo)

          - Tra cứu sơ bộ, tra cứu chuyên sâu tên nhãn hiệu và logo cần đăng ký

          - Soạn thảo văn bản, xác lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu theo quy định.

          - Thay mặt cơ sở, doanh nghiệp (chủ Đơn) nộp Đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ.

          - Theo dõi quá trình xử lý hồ sơ của Cục Sở hữu trí tuệ.

          - Nhận các thông báo từ Cục Sở hữu trí tuệ và trao lại cho Chủ Đơn.

          d) Trách nhiệm của cơ sở, doanh nghiệp.

          - Phối hợp với đơn vị tư vấn trong việc cung cấp hồ sơ, thông tin cần thiết.

          - Ký Giấy ủy quyền nộp Đơn và hợp đồng tư vấn.

          - Chi trả kinh phí tư vấn theo hợp đồng đã ký.        

          4. Thời gian và sản phẩm cụ thể theo quá trình nộp Đơn.

          -  Trong vòng 24 giờ khi nộp Đơn (trực tiếp hoặc online, do Đơn vị tư vấn thực hiện). Kết quả: có biên nhận Đơn (thông báo) của Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ghi nhận ngày nộp Đơn là ngày ưu tiên của Chủ Đơn.

          - Thời gian thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp Đơn. Kết quả có Quyết định chấp nhận Đơn hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ, bằng văn bản.

          - Thời gian công bố Đơn trên công báo sở hữu công nghiệp 02 tháng sau thời điểm có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ.

          - Thời gian thẩm định nội dung Đơn: 09 tháng kể sau thời điểm công báo Đơn. Kết quả: có Thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

          - Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký: 01tháng sau khi có thông báo cấp Giấy chứng nhận đăng ký. 

          Như vậy, tổng thời gian đăng ký nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ là 13 tháng tính từ ngày nộp Đơn. Tuy nhiên, trên thực tế tổng thời gian cho việc đăng ký nhãn hiệu thường kéo dài từ 14 – 18 tháng kể từ khi nộp đơn. Ngoài ra, thời gian đăng ký nhãn hiệu cũng có thể kéo dài từ 02 – 03 năm phụ thuộc vào tình trạng Đơn có phải thông báo sửa đổi, bổ sung; phản đối đơn, khiếu nại (do tranh chấp của bên thứ ba) … Đó là những nguyên nhân dẫn đến việc thời gian đăng ký nhãn hiệu thường kéo dài; nhất là đối với các Đơn đăng ký nhãn hiệu có liên quan nước ngoài.

          Lưu ý: Giá trị của Quyết định chấp nhận Đơn hợp lệ  là kết quả thẩm định về mặt hình thức Đơn (số lượng hồ sơ, mẫu biểu,..) để chuyển sang giai đoạn công bố Đơn và thẩm định nội dung Đơn. Quyết định chấp nhận Đơn hợp lệ không khẳng định là được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hay không được cấp.

          5. Hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

          - Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thời gian hiệu lực là 10 năm; có thể gia hạn nhiều lần (mỗi lần gia hạn là 10 năm).

          - Chỉ dẫn địa lý có giá trị vô thời hạn.

          6. Lợi ích của việc đăng ký nhãn hiệu.

          Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu Trí tuệ. (Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009).

          Như vậy, muốn được bảo hộ nhãn hiệu doanh nghiệp phái tiến hành đăng ký để xác lập quyền sở hữu. Khi quyền được xác lập, chủ sở hữu có quyền khai thác tài sản của mình, có quyền cho phép hoặc ngăn cản người khác sử dụng (khai thác) tài sản đó và khi quyền bị xâm phạm thì pháp luật sẽ bảo vệ như bảo vệ quyền sở hữu tài sản./.

                                                          Trần Văn Nhàn – Phòng Quản lý Công nghệ

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 8
  • Trong tuần: 339
  • Tất cả: 4410094