9/2021 Đề tài: Nghiên cứu chế tạo chế phẩm nano chitosan/salicylic có tác dụng kháng bệnh trên một số cây trồng chủ lực của tỉnh Trà Vinh theo hướng sản xuất nông sản an toàn bền vững
Lượt xem: 1088

• Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng

Họ tên chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Lê Nghiêm Anh Tuấn

• Mục tiêu nhiệm vụ

Mục tiêu chung: Xây dựng được quy trình công nghệ và chế tạo chế phẩm nano chitosan/salicylic có hoạt tính kháng nấm và vi khuẩn gây bệnh cao, an toàn; đánh giá được hiệu quả ứng dụng thực tiễn chế phẩm trên cây đậu phộng, thanh long và cây lúa tại tỉnh Trà Vinh

Mục tiêu cụ thể:

- Xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất chitosan từ vỏ tôm ở nhiệt độ thường với quy mô 250 kg vỏ tôm/mẻ.

- Xây dựng được quy trình công nghệ tổng hợp chế phẩm nano chitosan/salicylic có hoạt tính cao, có tác dụng kháng nấm và vi khuẩn gây bệnh chính trên cây trồng chủ lực, đáp ứng an toàn nông sản.

- Đánh giá hiệu lực sinh học, ứng dụng thực tiễn của chế phẩm nano chitosan/salicylic trên cây thanh long, cây lúa và cây đậu phộng tại tỉnh Trà Vinh.

• Nội dung chính của nhiệm vụ:

- Hoàn thiện quy trình sản xuất chitosan từ vỏ tôm lột phế thải thu từ vuông nuôi tôm tại tỉnh Trà Vinh.

- Nghiên cứu tổng hợp vật liệu nano chitosan/salicylic.

- Nghiên cứu in vitro hoạt tính kháng nấm Neoscytalidium dimidiatum gây bệnh đốm nâu thanh long, nấm Pyricularia oryzae gây bệnh đạo ôn lúa, nấm Puccinia arachidis gây bệnh gỉ sắt cây đậu phộng của chế phẩm nano chitosan/salicylic.

- Nghiên cứu hiệu ứng kháng bệnh đốm nâu thanh long, bệnh đạo ôn lúa và bệnh gỉ sắt cây đậu phộng của chế phẩm nano chitosan/salicylic trong điều kiện nhà lưới.

- Khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng hiệu lực phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long, bệnh đạo ôn lúa và bệnh gỉ sắt cây đậu phộng của chế phẩm nano chitosan/salicylic.

- Khảo nghiệm xác định thời gian cách ly sử dụng chế phẩm nano chitosan/salicylic trên cây thanh long, cây lúa và cây đậu phộng.

- Tổ chức tập huấn tiếp nhận quy trình công nghệ sản xuất và quy trình hướng dẫn sử dụng chế phẩm nano chitosan/salicylic cho đơn vị ứng dụng và người dân.

• Lĩnh vực nghiên cứu: Công nghệ nano

• Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp bố trí thí nghiệm; phương pháp khuếch tán thạch đĩa (Sathiyabama và cs, 2020; phương pháp xử lý thuốc; phương pháp điều tra và thu thập số liệu.

• Kết quả dự kiến

- 50 kg Chitosan (Khối lượng phân tử ~100.000 g/mol);

- 500 lít Chế phẩm nano Chitosan/salicylic (Hàm lượng chitosan 5%; Hàm lượng salicylic: 5.000 ppm; pH 4-5; Kích thước hạt < 100 nm; độc tính cấp > 3.000 mg/kg thể trọng; Thời gian ổn định > 12 tháng)

- 01 Quy trình sản xuất chitosan khối lượng phân tử trung bình (khoảng 100.000 g/mol) từ phế thải vỏ tôm;

- 01 Quy trình điều chế chế phẩm nano chitosan/salicylic;

- 03 quy trình ứng dụng chế phẩm nano chitosan/salicylic trên cây thanh long, lúa và đậu phộng (Hiệu quả phòng trừ đốm nâu trên cây thanh long, bệnh đạo ôn trên lúa và bệnh gỉ sắt trên cây đậu phộng của chế phẩm nano chitosan/salicylic đạt ≥ 90% so với đối chứng không sử dụng thuốc; Hướng dẫn sử dụng chế phẩm nano chitosan /salicylic trong quy trình quản lý bệnh tổng hợp phòng trừ 03 đối tượng bệnh: đốm nâu trên cây thanh long, đạo ôn trên lúa và gỉ sắt trên cây đậu phộng);

• Thời gian bắt đầu dự kiến và thời gian kết thúc dự kiến: 24 tháng từ 10/2021 đến tháng 10/2023./.


Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 25
  • Trong tuần: 356
  • Tất cả: 4410111